Sau một vài khám phá và những video về điểm mạnh của Linux, mình quyết định viết một bài mà theo mình, Linux làm tốt hơn so với Windows, đặc biệt là Windows 10.
Windows 10 nhận được khá nhiều phản hồi tiêu cực trong thời gian vừa qua: update thì chắp vá, thiết kế kì cục, store thì lộn xộn. Chính ở những điểm này, Linux lại “tỏa sáng” rực rỡ.
Nâng cấp hệ thống: thật dễ dàng khi mọi thứ ở cùng một nơi
Hiện tại, Windows quản lý việc update ứng dụng trong Windows Store, còn update hệ điều hành được nằm trong phần Settings. Tuy điều này có cải thiện hơn so với các phiên bản trước đó, nhưng nó vẫn còn khá rắc rối vì bạn phải kiểm tra ở 2 nơi khác nhau.
Trong khi đó đa phần các distro của Linux chỉ có một nơi duy nhất: trình quản lý gói tin (package manager). Tùy thuộc vào distro nào (chẳng hạn như Elememtary OS sẽ phân chia update hệ điều hành và ứng dụng riêng biệt, hay Manjaro lại ở chung một nơi), nhưng chỉ cần một cú click chuột, bạn có thể yên tâm rằng toàn bộ hệ thống đã được nâng cấp. Deepin là một ngoại lệ (có thể còn thêm một vài ngoại lệ khác), nhưng về cơ bản, tất cả được quản lý chung tại một nơi.
Nếu bạn dùng flatpaks hay snaps, hệ thống của bạn sẽ bị phân mảnh một chút. Nếu hệ thống đi kèm thì không sao, bằng không bạn phải chạy thêm một vài dòng lệnh để update flatpaks. Snaps thì được update tự động nên bạn không cần quan tâm lắm, cứ yên trí mọi thứ vẫn sẽ là phiên bản mới nhất.
Trên Windows, ngay cả khi nâng cấp được quản lý trong Windows Store, nhưng kho ứng dụng này còn rất nghèo nàn. Dám cá là bạn vẫn cài đặt các thứ bằng việc kiếm bộ cài trên mạng rồi cài thông thường đúng không? Vậy nên update những ứng dụng này rất mất công update vì mỗi cái lại có một cơ chế riêng.
Kiểu gì cũng có người comment giọng bực tức: “ông quên Chocolatey à, trình quản lý gói tin của Windows tương tự Linux đấy”. Nhưng nói thật, đa phần người dùng thông thường có biết đến cái đó không, hoặc có làm theo vài hướng dẫn mơ hồ để có thể sử dụng nó?
Và đó chính là một ưu điểm của Linux; có thể nó chưa hoàn hảo, nhưng vẫn còn hơn chán so với Windows.
Package Manager: cửa hàng tiện lợi
Nói cái này có vẻ thừa, nhưng không hề nhé. Trên Windows, bạn có thể quản lý tất cả ứng dụng của mình bằng Windows Store, chỉ khi bạn chỉ cài ứng dụng từ kho này. Đồng nghĩa với việc bạn sẽ bỏ qua hầu hết những ứn dụng hay ho dành cho Windows ngoài kia, và đa phần chẳng ai làm thế đâu. Và, bạn vẫn sẽ search tên phần mềm trên mạng, down về, ấn run…
Nhắc lại: bạn có thể dùng Chocolatey, về nếu bạn có “lỡ yêu” với Windows rồi, thì mình khuyên bạn dùng cái đó. Nhưng đa phần người dùng Windows chưa biết đến nó đâu.
Còn ở trên Linux, bạn có thể cài “mọi thứ” từ package manager. Điều này có cả tiện lợi và bât tiện: nếu thứ bạn cần không có trong đó, thì bạn cài sẽ vất vả hơn nhiều đấy. Đôi khi khi bạn cài phần mềm, ở hầu hết các bản distro, đều có giao diện đồ họa cho bạn. Nhưng đôi khi bạn cần làm nhiều thứ phức tạp hơn thế.
Tóm lại, Linux vẫn chưa hoàn hảo, nhưng việc có 90% những gì cần thiết trong package manager và chỉ việc tự lo 10% còn lại, vẫn tốt hơn là có 10% và phải đi tự làm 90% các ứng dụng khác.
Bảo mật: Thị phần lớn khiến bạn dễ bị tấn công hơn
Windows là hệ điều hành phổ biến nhất thế giới, chí ít là trên desktop. Điều đó đồng nghĩa với việc hacker sẽ quan tâm đến con mồi béo bở này hơn là Linux (chỉ chiếm 2-3% thị phần).
Vì vậy không có gì bất ngờ khi Windows hay bị các thể loại malware, ransomware, spyware, và các kiểu virus khác nữa. Việc cài đặt phần mềm từ rất nhiều nguồn (như đã trình bày ở trên) mà không để ý cũng dẫn đến vấn đề về bảo mật.
Ở Linux, mọi thứ đã được xem xét cẩn thận và giám sát kỹ càng. Ngoài ra mặc định khi cài, Linux đều yêu cầu quyền root (mật khẩu), trong khi Windows người dùng chỉ cần ấn “yes”, cấp quyền cho phần mềm rồi cứ thế cài. Có thể ngăn chặn tình trạng này bằng việc cài phần mềm việt virus, malware… tuy nhiên mấy cái đó sẽ chiếm tài nguyên hệ thống quý giá của bạn như RAM, CPU. Ở Linux, bạn chẳng cần mấy thứ đó, trừ phi bạn muốn kết nối hay chia sẻ file mới một máy tính Windows khác.
Cái lợi của việc mã nguồn mở đó là, nếu ai đó thấy những dòng code có thể có những lỗ hổng bị khai thác, họ có thể fix những lỗi này trước khi sử dụng. Còn trên Windows, chúng ta chỉ có thể trông chờ vào lập trình viên của Microsoft làm điều đó giúp chúng ta, và cũng chẳng có gì đảm bảo khi ai đó thấy lỗ hổng, họ sẽ hoặc báo cáo, hoặc tìm cách khắc phục chúng.
Quyền riêng tư: Windows 10 rất “thèm” dữ liệu người dùng
Ubuntu luôn hỏi người dùng cho dữ liệu hành vi người dùng. Mình cũng không thấy bản distro nào của Linux thu thập dữ liệu cá nhân: không email, mật khẩu, tên, số điện thoại…
Trái lại, Windows 10 yêu cầu những thứ đó rất nhiều. Đầu tiên, nó bắt bạn tạo một tài khoản Microsoft. Tiếp theo nó sẽ khủng bố bạn với nào là quyền thu nhập mẫu chữ viết, dữ liệu giọng nói, thông tin về máy tính của bạn (thậm chí bạn không thể disable hoàn toàn những điều này), và còn nhiều hơn thế nữa.
May thay, bạn còn được thông báo về những điều này, và nếu thích bạn có thể disable được một vài thứ (nhắc lại: không phải tất cả nhé!). Nhưng các mục theo mặc định sẽ được tick, và nếu ai không để ý thì, xin chúc mừng, bạn đang “đóng góp” rất nhiều thứ cho Microsoft đấy!
Mình thấy cái này thật ghê tởm, nói thẳng là không thể chấp nhận được. Và Linux khắc phục được điểm này.
Dung lượng ổ cứng
Hiện tại, hiếm có bản Linux nào vượt quá 10 GB, trừ khi bạn tự thêm phần mềm, file v.v… Còn thư mục Windows thì đã ngốn trọn 15 GB, và update lên nữa thì sẽ càng tốn dung lượng.
Mỗi bản update lớn sẽ đều để lại thư mục Windows.old, chứa đựng hoàn toàn phiên bản Windows trước đó. Tuy bạn có thể xóa nó, nhưng trước đó nó đã chiếm dung lượng gấp đôi mà hệ điều hành cần.
Ngày nay, bộ nhớ đã không còn quá đắt đỏ, nên vấn đề không còn nghiêm trọng như ngày xưa nữa. Nhưng dù sao tôi vẫn muốn hệ điều hành của mình phải nhẹ nhất có thể.
Sự tùy chỉnh
Hầu hết các Linux distro đều có thể tùy chỉnh màu chủ đề, biểu tượng, phông chữ, thậm chí cả môi trường desktop (desktop environment). Bạn có thể tự tùy chỉnh theo ý mình sao cho thuận tiện nhất và hợp với ý mình nhất.
Ở Windows, bạn cùng lắm có thể dời thanh taskbar, đặt chế độ màu tối, chọn một cái màu lỗi thời nào đó. Không ưa icon, phông chữ, hoặc ngay như thanh taskbar 20 năm nay vẫn vậy? Bạn phải cài phần mềm bên thứ ba để làm điều đó.
Thêm lần nữa, Linux thắng.
Trải nghiệm người dùng nhất quán
Nhiều người sẽ không quan tâm đến vấn đề này, hài lòng với việc mỗi phần mềm trông khác nhau và dùng cũng khác nhau. Tôi thì có, và đa phần những chuyên gia đánh giá trải nghiệm người dùng cũng cho rằng như vậy. Nếu các phần mềm khác nhau nhiều, người dùng phải mất thời gian làm quen với nó.
Ở Windows 10, có vô vàn các kiểu ứng dụng. Có cái trông giống như ứng dụng từ thời Windows 98, biểu tượng cũ, mấy cái bảng, thanh menu… tiêu biểu như disk manager hay Notepad. Rồi bạn có ứng dụng kiểu Windows 7 như Control Panel, biểu tượng trông mới hơn, các cạnh bo tròn v.v… Rồi bạn có ứng dụng kiểu Windows 8 / Windows 10 với giao diện hiện đại…
Thiết kế như vậy chẳng liên quan. Một chút cũng không. Kết quả là bạn phải làm quen với giao diện của từng loại một. Microsoft đang làm một phiên bản nhất quán hơn, nhưng chi ít là bây giờ vẫn chưa có.
Linux: mọi thứ đều “tông xoẹt tông” ở từng môi trường desktop. Ứng dụng kiểu KDE thì không giống GNOME. Nếu bạn chọn một môi trường nhất định, thì mọi thứ đều đồng bộ. Ứng dụng trông giống nhau và dùng cũng giống nhau luôn.
Thêm một lần nữa, Linux chưa hoàn hảo khi bạn khả năng bạn sẽ dùng ứng dụng không phù hợp với môi trường desktop của mình, nhưng vẫn còn hơn nhiều so với trải nghiệm dùng Windows 10.
“Yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên”
Khi bạn chạy hệ điều hành lần đầu, bạn sẽ lập tức cảm nhận về nó: rối rắm hay trống trải, có cả tá biểu tượng trên desktop và menu, hay là mạch lạc và rõ ràng?
Đa phần người dùng khi bắt đầu dùng Windows sẽ cực kỳ ghét đám bloatware (phần mềm mặc định đi kèm) và crapware (phần mềm rác). Tất cả là do nhà sản xuất máy, không phải do Windows 10.
Rồi bạn sẽ mất hàng tiếng đồng hồ ngồi gỡ đám đó ra, vì Windows chỉ cho gỡ từng phần mềm một. Vài phần mềm bạn gỡ ra cũng khó vì phải khởi động lại vài lần, và vẫn còn file rác sót lại v.v…
Hầu hết các bản distro Linux sẽ chỉ đi kèm những gì bạn cần và thêm 1 số ít nữa thôi. Chắc chắn sẽ có người không thích những phần mềm đi kèm này. Ví dụ: tôi đã gỡ cả tá phần mềm từ Manjaro, và sau những cú click chuột, tôi mất vỏn vẹn 5 phút! Điều này có bởi Linux chưa có những nhà sản xuất lớn. Có một vài hãng như Purism, System76… những thị phần còn rất nhỏ
Tạm kết
Tóm lại, Linux có một vài điểm vượt trội so với Windows 10 như mình đã trình bày ở trên. Nó tập trung lại ở giao diện thoáng hơn, quyền riêng tư được đảm bảo, quản lý ứng dụng tốt hơn, nhẹ hơn và ít bloatware.
Mình xin được nhấn mạnh lại câu này: Linux còn chưa hoàn hảo. Windows hơn Linux ở rất nhiều điểm khác, tiêu biểu là games, hỗ trợ phần cứng, phần mềm bên thứ ba .v… Nhưng ở một số điểm nào đó, Linux sáng giá hơn rất nhiều, và mình cảm thấy điều này đáng được chúng ta bàn luận và thưởng thức.
Dịch từ 8 Areas Where Linux is Better Than Windows – Some more thoughts
Bài hay nên đọc
Sự nguy hiểm của file VHD và VHDX
Tổng hợp Video về Hack Windows Password
Chống tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) bằng đoạn mã PHP đơn giản
Views: 2485