Tin tức Linux

Làm gì khi tinh thần làm việc nhóm, teamwork đi xuống?

Bạn bắt đầu nhận thấy năng lượng và sự hào hứng trong nhóm có dấu hiệu đi xuống? Bạn nghe thấy nhiều tiếng thở dài và nhìn thấy nhiều ánh mắt mệt mỏi hơn bình thường? Thành viên trong nhóm làm việc cẩu thả cho những công việc đơn giản? Tất cả đều cho thấy tình thần làm việc nhóm đang giảm sút nghiêm trọng. Đã đến lúc bạn cần có giải pháp để cải thiện tình hình. 

Tinh thần làm việc nhóm sa sút có thể bắt nguồn từ nguyên nhân mất đi cảm giác hài lòng với công việc, cũng có thể do gia tăng áp lực công việc từ phía quản lý hoặc công ty đào thải nhân viên với số lượng lớn. Nhưng cho dù vì nguyên nhân gì, tinh thần teamwork đi xuống cùng đòi hỏi hành động ứng phó chủ động từ bạn trong vai trò của một người quản lý. 

Mặc dù bạn không có khả năng thay đổi thực trạng đang diễn ra trong một công ty lớn nhưng ít nhất bạn có thể tạo nên môi trường làm việc hiệu quả và nhiệt huyết cho nhóm của bạn bằng 5 chiến thuật dưới đây. 

  1. Khích lệ nhân viên đúng lúc

Nhiều ngày bận rộn biến thành nhiều tuần bận rộn, nhiều tuần biến thành nhiều tháng bận rộn, một năm cứ tiếp diễn như vậy, điều đó làm chúng ta quên dừng lại và không chú tâm đến những thành công nhỏ. Nhưng cách đơn giản nhất mà hiệu quả nhất để thúc đẩy tinh thần làm việc của nhân viên chính là dành chút thời gian để ghi nhận hiệu quả làm việc của họ trong các nhiệm vụ hàng ngày. 

Điều quan trọng là phải ghi nhận sự đóng góp của mọi người sao cho hợp lý – bạn không nên đưa ra lời khen vô nghĩa, nó sẽ mất dần giá trị. Một lời khen “có tâm” thể hiện sự chú ý của bạn khi một thành viên trong nhóm tiến bộ, dù ít dù nhiều; điều này cho họ biết rằng bạn thực sự ấn tượng với cách làm việc và kết quả việc làm họ đạt được. 

Không chỉ dừng lại ở việc công nhận ở nơi riêng tư, hãy tìm cơ hội để nêu bật những đóng góp cá nhân cho nhóm trước mặt những người khác, trước mặt khách hàng hay cuộc họp nhân viên. Đây là cách khiến cho các thành viên trong nhóm cảm thấy sự nỗ lực của mình được coi trọng. 

  1. Đặt mục tiêu nhóm

Mục tiêu nhóm giống như xương sống của một chiến lược quản lý hiệu quả. Mặc dù mục tiêu dự án, số liệu kết quả làm việc hàng năm và sản phẩm hoàn thành của toàn bộ phận đều là yếu tố tạo động lực quan trọng nhưng hầu như không liên quan đến công việc hàng ngày. Vì thế, một cách tuyệt vời để tạo nên sự hào hứng là đặt mục tiêu ngắn hơn, hàng tuần thậm chí hàng ngày để nhân viên của bạn xác định mục tiêu rõ ràng hơn và gắn nó với công việc cần làm mỗi ngày. Vấn đề này ở những ngành công nghệ, ngành IT càng đặc biệt quan trọng

  1. Đương đầu với sự thất vọng

Nếu lời khen đúng lúc và mục tiêu cụ thể không làm cải thiện tình thần làm việc nhóm cho đội của bạn, thay vì chờ đợi giai đoạn này trôi qua một cách tự nhiên, hãy tìm kiếm ý kiến phản hồi và giải pháp từ chính các thành viên. Chủ động tìm hiểu lý do tại sao họ cảm thấy tinh thần làm việc sa sút và bạn có thể làm gì để khiến họ cảm thấy tốt hơn. Đối mặt với vấn đề ban đầu có thể khó xử cho cả hai bên nhưng lại là cách để bạn nhận được phản hồi trung thực và thẳng thắn. 

Để phá vỡ khoảng cách giữa bạn và nhân viên, thử chia sẻ với họ một câu chuyện cá nhân về một lần bạn cảm thấy mệt mỏi với công việc hoặc thất vọng về người quản lý trước đây của bạn. Nhấn mạnh rằng bạn đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ họ để cải thiện tình thần làm việc nhóm và khuyến khích các thành viên đưa ra các đề xuất để cải thiện tình hình. 

  1. Không phá vỡ lịch trình

Tinh thần làm việc nơi công sở thường bị ảnh hưởng nếu các thành viên trong nhóm cảm thấy họ không thực hiện được các sở thích cá nhân, nghĩa vụ với gia đình và xã hội bên ngoài công viêc. Là một quản lý, trách nhiệm của bạn là đặt mục tiêu nhóm vì mục tiêu công việc – nhưng để đạt được mục tiêu này, trước hết bạn cần tạo điều kiện để các thành viên đạt được mục tiêu trong cuộc sống riêng tư của họ. Chỉ khi đạt được sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc, nhân viên mới có thái độ tích cực hơn ở nơi văn phòng. 

  1. Học hỏi lẫn nhau

Khi quản lý một nhóm nhân viên, điều quan trọng là nhắc nhở với tất cả thành viên rằng nhóm được tạo thành từ các cá nhân sở hữu những kỹ năng đa dạng và có vai trò các nhau. Dĩ nhiên là chỉ nhắc tới các kỹ năng phục vụ cho công việc như Excel, PowerPoint, thuyết trình trước đám đông – nhưng đừng quên khả năng sáng tạo của nhân viên mà có lẽ chưa được phát huy đúng mức. 

 

Views: 779